Biểu tình "Chiếm phố Wall" được tiếp thêm lửa.
Một số công đoàn tại
nước Mỹ bày tỏ sự ủng hộ và dự định cùng xuống đường tham gia phong trào biểu
tình "Chiếm phố Wall".
"Rất đơn giản thôi, những người trẻ
tuổi trên phố Wall đang lên tiếng về rất nhiều vấn đề mà người lao động ở nước
Mỹ đang phải đối mặt trong vài năm gần đây", Larry Hanley, chủ tịch quốc
tế của Amalgamated Transit Union - một công đoàn có khoảng 20.000 thành viên
tại khu vực New York, nói với CNN khi
được hỏi lý do tham gia.
Theo ông Hanley, những người trẻ đang nói
thay cho số đông người Mỹ đã quá thất vọng trước những ông chủ ngân hàng và
những kẻ môi giới, "những người thu lợi phía sau sự lao động vất vả của
người khác". "Trong khi chúng ta vật lộn mưu sinh hàng ngày, hàng
tháng, thì những triệu phú và tỷ phú trên phố Wall lại ngồi không một cách vô
cảm rồi thuyết giảng trên sự hy sinh của chúng ta", Hanley nói.
Trong khi đó, người phát ngôn Jim Gannon
của công đoàn Transport Workers Union Local 100 cho rằng phong trào "Chiếm
phố Wall", đã chỉ ra được những vấn đề mà các công đoàn hoàn toàn ủng hộ.
"Chiếm phố Wall" được tổ chức với mục đích lên án những bất công xã
hội
trong hệ thống tài chính và lấy cảm hứng từ các cuộc biểu tình ở Bắc Phi
hay Trung Đông. "Mục tiêu của họ (những người biểu tình) cũng là mục tiêu
của chúng tôi", Gannon nói.
Michael Mulgrew của Liên đoàn Giáo viên
Mỹ, một tổ chức gồm 200.000 thành viên, cho hay ông tự hào khi ủng hộ những
người biểu tình. "Con đường mà xã hội của chúng ta đang hướng tới không
dành cho 99% người dân, vì thế "Chiếm phố Wall" đã nổ ra. Những người
biểu tình quyết theo đuổi phong trào này và họ có thể tạo ra một sự đối thoại ở
tầm quốc gia, mà chúng ta nghĩ rằng lẽ ra phải diễn ra từ nhiều năm rồi",
Mulgrew nói.
Các lãnh đạo công đoàn ở Mỹ hiện không
thể biết được có bao nhiêu thành viên của họ sẽ nghỉ làm việc trong ngày hôm
nay và tham gia vào các đoàn người biểu tình trên khắp nước Mỹ.
Occupy Wall Street (Chiếm phố Wall) là
phong trào biểu tình không có người đứng đầu nổ ra từ ngày 17/9, khi một số
người dựng trại để phản đối ngay trước Thị trường Chứng khoán New York . Họ thể hiện sự tức giận trước nền
kinh tế đang lung lay của nước Mỹ, cũng như sự phẫn nộ đối với "giới doanh
nghiệp tham lam". Sau đó, hàng trăm người đã lập nên một khu trại tại công
viên gần đó và việc biểu tình trở nên có tổ chức hơn. Thậm chí, họ có cả đội
ngũ y tế và pháp lý riêng, rồi còn tự cho ra một tờ báo với tên gọi Occupied
Wall Street Journal.
Trong vài tuần qua, những người biểu tình
đã đề cập tới nhiều vấn đề, trong đó có cả sự thô bạo của cảnh sát, sự yếu kém
của các công đoàn cũng như nền kinh tế Mỹ, các cuộc chiến của Mỹ, tình trạng
môi trường, tình trạng của nước Mỹ và của thế giới nói chung. Khoảng 100 người
biểu tình bị bắt vào hôm 24/9, trước khi khoảng 700 người khác cũng bị cảnh sát
bắt giữ hôm 1/10 với cáo buộc rằng họ có hành vi gây mất trật tự. Cảnh sát hôm
qua tiếp tục bắt thêm 5 người nữa, nhưng chưa tiết lộ nguyên nhân của vụ bắt
giữ mới nhất này.
Phong trào "Chiếm phố Wall" đã
lan rộng khắp nước Mỹ, khi Chicago , Los Angeles , Seattle , Boston và nhiều thành phố lớn khác theo sau New York trở thành các
"cứ điểm" mới của người biểu tình.
Vnexpress
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét