Bổn phận hành thiện:
Một thoáng suy tư nhân trường hợp bé gái hai tuổi Duyệt Duyệt (Trung Quốc)
bị bỏ mặc sau khi bị xe đụng
Một thoáng suy tư nhân trường hợp bé gái hai tuổi Duyệt Duyệt (Trung Quốc)
bị bỏ mặc sau khi bị xe đụng
Thời gian qua, dư luận Trung Quốc và dân cư mạng bức xúc, phẫn nộ vì câu chuyện ở Trung Quốc: bé gái hai tuổi Duyệt Duyệt bị hai xe tải đụng liên tiếp và bị bỏ mặc trên phố, dù đông người qua lại chỗ bé gái bị nạn nằm thoi thóp trên vũng máu.
Máy camera ghi nhận tài xế chiếc xe đầu tiên, sau khi nhận biết đã tông vào em bé, cố tình đâm tiếp rồi bỏ chạy, sau đó có 18 người đi đường thản nhiên bước qua em và rồi tiếp tục hành trình của mình. Cuối cùng, một chị nhặt rác (tên Trần Hiền Muội) phát hiện đã bế bé vào lề đường, và lúc đó mẹ bé mới chạy đến hốt hoảng đem bé vào bệnh viện cấp cứu. Duyệt Duyệt đã được chữa trị chăm sóc đặc biệt suốt bảy ngày, tuy nhiên các phương tiện điều trị y khoa tốt nhất vẫn không cứu được bé vì các vết thương sọ não nghiêm trọng. Trái tim bé Duyệt Duyệt ngừng đập lúc rạng sáng ngày 21/10/2011.[1]
Cái chết của Duyệt Duyệt gióng lên tiếng
nói thức tỉnh lương tâm con người Trung Quốc nói riêng và cho cả cộng đồng nhân
loại nói chung. Tại Việt Nam ,
gần đây báo chí cũng nói nhiều đến cái vô cảm đáng sợ của một số người trước
hoạn nạn đau thương của người khác. Cần xem xét lại nền tảng triết lý sống,
việc giáo dục các giá trị nhân bản, giá trị đạo đức trong xã hội hiện đại. Bài
suy tư ngắn này bàn đến câu hỏi “Cứu người bị nạn là một bổn phận công dân phải
thi hành (phạm trù luật pháp) hay là một hành vi nhân đức (thuộc phạm trù đạo
đức) có thể chọn lựa, hay liên hệ đến cả hai phạm trù?”
Các thành phố Thượng Hải, Thâm Quyến,
Quảng Đông đã phát động trưng cầu ý dân về xử phạt hành vi thấy người bị nạn
không cứu và khen thưởng hành vi dũng cảm cứu người gặp nạn. Cơ quan luật pháp
Thâm Quyến đã đưa điều luật “bảo vệ hành vi cứu người” vào dự án lập pháp của
năm 2011.[2]
Ông Chu Liệt Ngọc, đại biểu Hội Đồng
Nhân Dân tỉnh Quảng Đông, kiến nghị Trung Quốc nên có quy định “trừng phạt điều
ác” để xử lý hành vi bỏ mặc người bị nạn. Quan điểm của ông Chu
được sự ủng hộ của các đoàn luật sư ở Quảng Đông và Thượng Hải. Tại Pháp, nếu
thấy người chết không cứu có thể bị xử phạt tù giam đến năm năm và phạt tiền
500.000 franc. Tại Đức, đối với tội danh này người vi phạm có thể bị cấm túc
khoảng một năm.[3]
Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng việc
thản nhiên vô cảm của số người trên thuộc phạm trù đạo đức nên luật pháp không
thể can thiệp được. Như giáo sư Thái Trấn Thuận, viện trưởng Viện Pháp học Đại
học Ngoại ngữ Quảng Đông phát biểu: “Tôi không đồng ý quy định buộc tội những
người thấy chết không cứu. Việc cứu người của công chúng thuộc phạm trù đạo đức
chứ không phải là vấn đề mang tính luật pháp, hãy để họ tự vấn lương tâm và
cộng đồng lên án”.[4] Ta thử xem xét vấn đề.
Về mặt đạo đức học, hành thiện (beneficence) là một trong bốn
nguyên tắc lớn (tôn trọng tính tự quyết, công bằng, không làm hại và hành
thiện) trong đạo đức y-sinh học, và cũng là một nguyên tắc sống nền tảng cho
mỗi con người có lương tri. Hiểu theo bình diện tiêu cực, hành thiện là không
làm hại ai; theo bình diện tích cực, là làm điều tốt lành cho người khác. Hành
thiện vừa là một bổn phận theo luật tự nhiên “làm lành lánh dữ”; vừa là một
nhân đức, vì là một đòi hỏi mang tính nội tâm; cũng là một nguyên tắc, vì dùng
làm chỉ đạo cách hành xử; và là một giá trị, vì nó cũng là đối tượng đạo đức.
Trong hiến pháp Canada
có quy định: phải cứu giúp những ai lâm cảnh hoạn nạn.[5]
Như vậy hành thiện không chỉ thuộc bình
diện nhân đức, bác ái, mà còn thuộc lãnh vực nghĩa vụ học, nghĩa vụ “làm
người”. Để xứng với phẩm giá con người, con người cần sống và thực hành một số
giá trị căn bản. Tom Beauchamp và James Childress, diễn tả nguyên tắc hành
thiện dưới dạng công thức sau:
“X buộc phải làm điều tốt cho Y khi: 1/
Y có nguy cơ chết, thương tật nặng hay chịu thiệt hại lớn; 2/ Hành động của X
là cần thiết (làm một mình hay với sự hợp lực với người khác) để giúp Y cứu
mạng sống hay tránh một nguy cơ lớn; 3/ Hành động trợ giúp X đối với Y có
khả năng cao ngăn ngừa thiệt hại cho Y; 4/ Hành động của X nhìn trước sẽ
không gây nguy cơ, gánh nặng lớn cho X; 5/ Lợi ích Y sẽ nhận được lớn lao hơn
so với bất cứ thiệt hại, gánh nặng nào có thể xảy ra cho X.”[6]
Về mặt hành pháp xã
hội, luật được lập nên để
điều hành xã hội tốt hơn, nhắm xây dựng một xã hội công bằng hơn, huynh đệ hơn,
và một trật tự nhân bản hơn trong tương quan liên đới xã hội. “Những thay đổi
đích thực của xã hội chỉ bền vững và hữu hiệu bao lâu chúng đặt nền tảng trên
những thay đổi kiên quyết trong cách sống của con người. Người ta sẽ không bao
giờ có thể làm cho đời sống xã hội được phù hợp với luân lý nếu không khởi sự
từ con người và không lấy con người làm điểm tham khảo: thật vậy, “sống có luân
lý là làm chứng cho phẩm giá con người.” Rõ ràng nhiệm vụ của con người là phải
phát triển các thái độ luân lý, là những thái độ căn bản đối với bất cứ xã hội
nào thật sự muốn trở nên nhân bản… Nhiệm vụ của hết mọi người, đặc biệt là của
những người đang nắm giữ các trách nhiệm về chính trị, tư pháp hay chuyên môn,
là phải trở thành người đánh thức lương tâm xã hội và là người đầu tiên minh
chứng cho người khác thấy các điều kiện xã hội dân sự xứng đáng với con
người.”[7]
Vậy, một trong những điều giúp xã hội
phát triển đích thực, là cần đưa hành vi cứu người bị nạn thành điều luật quy
định bổn phận của người công dân. Có như vậy mới góp phần giáo dục ý thức nghĩa
vụ làm người cho mỗi người dân, và xã hội sẽ ngày càng trở nên nhân bản hơn,
văn minh đích thực hơn.
Về mặt luân lý Kitô
giáo, thương yêu, trợ giúp
anh chị em đồng loại là minh chứng sống động cho tình yêu đối với Thiên Chúa,
và do đó trở nên điều kiện tiên quyết để được hưởng vinh phúc quê Trời. Một
trong bốn thay đổi nổi bật của thần học luân lý từ sau Công đồng Vatican II là
sự hiểu biết về tội thay đổi: từ “những gì tôi đã phạm” đến những gì tôi đã
thất bại, bỏ qua không làm, tội không để lòng thương xót mở ra trước cảnh khổ
đau của anh em đồng lọai (sin of not bothering to love).[8] Dụ ngôn người
Samaritanô nhân hậu, đoạn Tin Mừng Matthêu 25 về ngày phán xét cuối cùng, và dụ
ngôn Lazarô và người phú hộ là các luận cứ Kinh Thánh cho sự thay đổi hiểu biết
này.
Kết luận một cách cụ
thể, nhìn lại một chút về
trường hợp bé Duyệt Duyệt, chúng ta thấy sự “cộng tác” lỗi phạm của nhiều người
đã gây nên cái chết của bé: cha mẹ bé đã lơ đễnh trong việc trông nom bé, khiến
bé rời xa nhà một mình mà cha mẹ không biết; người tài xế xe tải thiếu lương
tâm, sau khi đụng bé, nhẫn tâm đâm tiếp cho bé chết (để bồi thường số tiền ít
hơn là số tiền phải chăm sóc lâu dài thương tật của bé); 18 con người vô tâm bỏ
mặc bé nguy tử nằm trên đường mà không tiếp cứu; và sau hết, chính cái cấu trúc
xã hội ngày nay cùng với cái triết lý sống ích kỷ hưởng thụ vật chất đã hình
thành, tạo nên anh tài xế đặt giá trị đồng tiền lên trên giá trị mạng sống con
người, và tạo ra 18 (và còn nhiều hơn nữa) con người lạnh lùng đó. Chị nhặt
rác, người thuộc tầng lớp bên lề xã hội, đã dạy cho 18 con người đó (và nhiều
người khác nữa) bài học “làm người”.
Để xây dựng một xã hội nhân bản hơn,
huynh đệ hơn, vừa cần thay đổi cả cấu trúc xã hội, xây dựng nguyên lý sống công
bằng bác ái, vừa cần giáo dục hoán cải con tim của từng con người.
––––––––––––––––––––––––––
[1] Mỹ Loan-Đông
Phương, “Bé Duyệt Duyệt ra đi, gióng lên cảnh báo nhân tâm”,
http://tuoitre.vn/The-gioi/461573/Be-Duyet-Duyet-ra-di-giong-len-canh-bao-nhan-tam.html
(22/10/2011)
[2] Ibid.
[3] Mỹ Loan, “Sự
kiện bé Duyệt Duyệt: Lúng túng xử lý thói vô cảm”,
<http://tuoitre.vn/The-gioi/461759/Su-kien-be-Duyet-Duyet-Lung-tung-xu-ly-thoi-vo-cam.html>
( 23/10/2011)
[4] Ibid.
[5] X. G. Durand, Introduction
générale à la bioé thique: Histoire, Concepts et outils,
(Fides, Cerf, Qué bec, 1999), 208-210, được sử dụng trong Dionigi
Tettamanzi & G. Durand, Tân Đạo Đức Sinh Học Kitô, Nguyễn Văn
Tuyến biên soạn (Đại chủng viện Huế, lưu hành nội bộ, 2003), 121.
[6] Tom Beauchamp và
James Childress, Principles of Biomedical Ethics, 5th
edition (New York ,
Oxford University Press, 2001), 170-171.
[7] Compendium
of the Social Doctrine of the Church (Libereria Editrice Vaticana, 2004),
bản dịch Việt ngữ Tóm Lược Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội Việt Nam , của Ủy Ban
Bác Ái Xã Hội (Nhà Xuất bản Tôn giáo, 2007), số 134.
[8] James F. Keenan, Moral
Wisdom, (Quezon City , Claretian
Publications, 2004), 62-63; James F. Keenan, Virtues for Ordinary Christians, (Quezon City , Claretian
Publications, 2001), 89-93.
23/10/2011
BS Trần Như Ý-Lan
BS Trần Như Ý-Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét