Trong khuôn khổ bài viết này, chúng ta thử tìm hiểu những biện luận của Sweetman trong sách của ông. Brendan Sweetman hiện là giáo sư triết học đại học Rockhurst ở Kansas city bang Missouri, Hoa Kỳ. Ông cho rằng gạt bỏ tôn giáo ra khỏi chính trị là quan niệm sai lầm về chủ thuyết đa nguyên.
Khởi đầu ông đã đặt vấn đề, cắt nghĩa danh từ “Nhãn Quan” / “Worldviews”, một từ mà ông cho là rất quan trọng, làm nền tảng cho quan niệm về thực tế, về bản tính của con người nhân bản cùng với những giá trị luân lý đạo đức và chính trị của nó. Mỗi người có một nhãn quan tùy theo quan niệm, cái nhìn và nhận định riêng của mình: đứng trên quan điểm phi tôn giao, có tính thế tục hay duy vật hoặc đứng trên nền tảng tôn giáo. Người theo chủ thuyết phi tôn giáo hay duy vật thì cố gắng gạt bỏ nhãn quan dựa trên tôn giáo, bởi vì, theo họ, nhãn quan này dựa vào những nguồn gốc không chắc chắn, có nghĩa là vô lý. Trong một xã hội đa nguyên – theo như lý luận của những người chủ trương phi tôn giáo – thì người ta không thể chấp nhận nó được bởi lẽ cách thức tranh luận của họ về tôn giáo như muốn áp đặt tôn giáo trên những người mà người ta không muốn, không tin, không thích chia sẻ và bàn về những niềm tin tôn giáo ấy. Quan niệm như vậy về tôn giáo có đúng không?
Nhãn Quan dựa trên tôn giáo hoàn toàn hữu lý
Giáo sư Sweetman đã phản công lại quan niệm của những người chủ trương phi tôn giáo. Ông cho rằng quan niệm như vậy tức là chối bỏ vai trò trọng yếu của lý trí trong tôn giáo, một điều mà từ xưa đến giờ ai cũng công nhận. Ngay ở đầu cuốn sách, ông đã tuyên xưng niềm tin của ông là người Công Giáo bằng cách lấy thí dụ thông điệp Tin Mừng về Đời Sống / Evangelium Vitae của Đức Gioan Phaolo II, trong đó có rất nhiều biện minh, diễn nghĩa, tranh luận chống lại việc phá thai đã được trình bày rất vững chắc và hữu lý.
Thực vậy, những người chủ trương phi tôn giáo – ông lý luận – đã bất kể đến cái hữu lý của niềm tin tôn giáo, ngang nhiên chối bỏ niềm tin tôn giáo vì cho rằng nó vô lý cốt chỉ để nói lấy được, cho xong truyện một cách rất là hời hợt; họ đã thất bại khi đặt lên bàn cân để so sánh giữa hai cái hữu lý của niềm tin tôn giáo và niềm tin thế tục, phi tôn giáo.
Ông đề nghị, để cho công bằng bây giờ là lúc chúng ta cần phải thoát ra khỏi quan niệm cho rằng tôn giáo đồng nghĩa với vô lý, rồi từ đó mà nhận xét sự việc. Khi chúng ta nhìn sự việc và nhận xét thế giới theo nhãn quan tôn giáo thì cũng chẳng có gì phải sợ phe đối nghịch phê phán soi mói với những lý lẽ, bằng chứng xem như có vẻ hữu lý.
Ông cũng khẳng định rằng tôn giáo không thể bị coi như một đe dọa cho nền dân chủ hay đi ngược lại tự do, nhân quyền; trái lại tôn giáo đã, đang và còn đóng góp rất nhiều suy tư đáng kể về mọi mặt trong nhiều lãnh vực tranh luận công cộng. Để cho một xã hội được thực sự dân chủ, ta cần phải để ý, coi trọng nhãn quan của mọi thành phần nhân sự trong xã hội và cho phép họ tham dự vào mọi sinh hoạt cũa xã hội bằng cách để họ tự do đóng góp tiếng nói của họ một cách thoải mái.
Tôn giáo cũng có thể có những đóng góp đáng kể và hữu ích cho những tranh luận về nhân quyền, giá trị chính trị và những quan niệm hiện đại về con người nhân bản.
Các tín hữu / tôn giáo không phải chỉ có mục đích muốn thực thi và hoàn thành niềm tin của mình, họ cũng thường có những bất đồng giữa các tôn giáo với nhau về những vấn đề luân lý, xã hội và chính trị. Ngoài ra, không phải tất cả mọi nguyên tắc của tôn giáo đều có thể lấy làm khuôn mẫu hướng dẫn cho đời sống công cộng. Giáo sư Sweetman cũng công nhận là không phải tất cả mọi niềm tin tôn giáo đều là hữu lý hết.
Tuy nhiên, nhãn quan về tôn giáo thực sự đã có những đóng góp rất có giá trị cho tiếng nói của mình, và nó cần phải được lắng nghe. Ngăn cấm, ức chế, đè bẹp nhãn quan về tôn giáo, không cho họ có cơ hội tranh luận, lên tiếng công khai về những đề nghị của họ là vi phạm nguyên tắc về tự do dân chủ và nhân quyền.
Phe phi tôn giáo / duy vật phản đối, lý luận rằng tôn giáo đem giáo điều, chia rẽ và bạo động vào chính trị. Sweetman cũng công nhận tôn giáo thực sự có chia rẽ, nhưng những luận lý dựa trên quan niệm thế tục phi tôn giáo cũng chẳng đem lại được đoàn kết mà còn gây chia rẽ hơn thế nữa. Trong thế kỷ 20 đã có khá nhiều bằng chứng hiển nhiên nói lên những thái quá mà phái ý hệ duy vật phi tôn giáo đã phạm phải. Cứ nhìn vào thế giới cộng sản có thời đã tung hoành trên thế giới gần một thế kỷ thì đủ biết, đặc biệt ở Nga Sô Viết, Trung Cộng và Việt Nam… Đầy dẫy bất công và hận thù, kỳ thị, chia rẽ vẫn còn kéo dài và di hại cho đến ngày nay. Nó cần phải được đào thải thực sự.
Công Giáo Hành Động
Để khuyến khích người công giáo tích cực tham gia vào những sinh hoạt xã hội, năm ngoái, Đức Giám Mục Thomas Olmsted thuộc giáo phận Phoenix, bang Arizona, Hoa Kỳ, đã cho ra một tập sách dưới dạng những câu Hỏi-Đáp nói lên nhiệm vụ của tôn giáo trong chính trị. Tựa đề tập sách là “Người Công Giáo trong đời sống công cộng”, “Catholics in the Public Square” được xuất bản do Basilica Press. Đức Giám Mục đã khuyên “người tín hữu hãy tôn trọng niềm tin của những người khác, cả “niềm tin” của những người không có niềm tin”.
Đồng thời Ngài còn nhấn mạnh: Người công giáo không nên sợ sệt hay che dấu căn tính của mình là Công Giáo hoặc e ngại không dám thực hành niềm tin của mình trong đời sống công cộng. (Catholics should not be afraid to embrace their identity or to put their faith into practice in public life).
Giáo Hội không tìm cách áp đặt niềm tin hay giáo lý của mình trên bất cứ ai. Nhưng Giáo Hội quan tâm, để ý đến công ích, thăng tiến công lý và an sinh xã hội hẳn phải là hợp lý và hợp tình.
Nhưng, buồn thay – Ngài nhận xét – kỳ thị những người có niềm tin, gọi là người có đạo, nhất là người Công Giáo lại thường xẩy ra khi họ bày tỏ quan điểm của họ trong những cuộc tranh luận công cộng. Điều đó không phải chỉ vì một vài nhầm lẫn về phía công giáo mà còn tỏ ra thù nghịch với bất cứ ai có những niềm tin khác.
Tuy nhiên, cũng theo Đức Giám mục Olmsted, chúng ta có bổn phận, có quyền tham dự và hòa mình vào sinh hoạt xã hội để làm nên văn hóa. Nhất thiết ta không có quyền trốn chạy khỏi bổn phận đó. “It is our duty to engage the culture, not run from it”. Người có niềm tin, có tín ngưỡng cũng như bất cứ ai khác, đều có quyền đem quan điểm của mình, niềm tin / đức tin của mình vào đời sống công cộng.
Những giá trị căn bản
Một đóng góp khác mới đây của Đức cha Donald Wuert, Tổng Giám mục Washington về đề tài Bổn phận của Tôn Giáo trong môi trường Chính Trị được phát biểu hôm 13-4-2007 trong bữa điểm tâm ngày quốc gia cầu nguyện.
Trong những năm gần đây, – Đức Tổng nhận xét – việc yểm trợ nâng đỡ những phát biểu công khai về giá trị căn bản của tôn giáo cũng như những luật lệ và nguyên tắc sống trong đời sống công cộng đã xút giảm trông thấy. Thay vì gìn giữ và bảo tồn những giá trị tốt, chung cho nhiều tín hữu là những người có niềm tin thì lại thấy kêu gọi cổ võ nhiều hơn cho những lập luận hoàn toàn có tính phi tôn giáo theo đường lối của nhà nước.
Đức Tổng Wuert lập luận rằng: Khuynh hướng này trái ngược với quan niệm của những nhà lập quốc Hoa kỳ đã một thời rất thịnh hành và được trân quí. Một nguyên tắc chung cần nhớ – ngài nói – về kinh nghiệm chính trị ở Hoa Kỳ là: “Để hiểu biết tư tưởng đích thực của Hoa Kỳ thì cần phải có niềm tin gắn bó thân thiết với luật luân lý đạo đức, coi đó là nền tảng cơ động”. “The belief in the binding character of moral law is fundamental to any understanding of American thought”. Tương tự như vậy ở Việt Nam, người ta đổ xô vào thế giới “đổi mới” gọi là văn minh kỹ thuật, kinh tế thị trường, văn hóa đời mới, suy tôn vật chất, đã quên đi những truyền thống đạo lý trong gia đình và xã hội như tình bằng hữu, nghĩa phu thê, đạo cha con, bổn phận của con cái, bổn phận của cha mẹ, trách nhiệm của “vua quan” nhà nước đối với dân… Chúng ta cần phải trở về với những giá trị của nguyên tắc luân lý đạo đức truyền thống.
Tư tưởng Công Giáo thì cũng giống như vậy thôi – Đức Tổng tiếp tục – Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo coi trọng và bàn về luật luân lý đạo đức và mười điều răn Chúa chẳng qua cũng chỉ là diễn tả và nhắc lại những luật tự nhiên đó mà thôi.
Niềm tin tôn giáo đã, đang và còn tiếp tục giữ một nhiệm vụ đặc biệt trong việc khuyến khích và bảo trợ những đề tài thảo luận về công lý xã hội cũng như nó đã từng công khai bảo vệ mạng sống của những thai nhi và trẻ em vô tội. Đức Tin giúp chúng ta nhận ra được ý nghĩa đời sống của con người chúng ta và biết phân biệt phải trái theo sự hướng dẫn khôn ngoan của Chúa Thánh Linh.
Ngoài ra – Đức Tổng Wuert nhấn mạnh – cố gắng tách biệt đời sống luân lý đạo đức ra khỏi đời sống chính trị hoặc giá trị tinh thần thiêng liêng ra khỏi giá trị nhân bản thì là “bước đầu đi tới tình trạng tẩu hỏa nhập ma trong cuộc sống” rồi. “Nó chỉ đưa con người và xã hội đến chỗ hủy hoại mà thôi”.
Đức Tổng kết thúc bài nói truyện: “Khuôn mẫu duy vật phi tôn giáo không đủ khả năng nắm vững suy tư thực về hành động của con người, khả dĩ có thể hướng dẫn và làm nền tảng cho niềm tin để hiểu được cuộc sống hy sinh xả thân của bản tính con người”.
KẾT LUẬN: Tri Hành Hiệp Nhất
Đức Thánh Cha Benedicto XVI cũng thường lập luận như vậy. Mới đây nhất trong bài diễn văn nhắn nhủ các Giám Mục Cộng Hòa Dominic nhân dịp thăm viếng Ad Limina ngày 5-7-2007, Ngài đã nhấn mạnh đến sự cần thiết của Niềm Tin và giá trị luân lý trong chính trị và xã hội. “Chưa có thể gọi là truyền bá Phúc Âm thực sự -Ngài nói – nếu chưa tuyên xưng được danh tính, giáo huấn, cuộc sống, lời hứa, vương quốc và màu nhiệm của Chúa Giêsu thành Nazareth, con Thiên Chúa hằng sống”. “There is no true evangelization if the name, the teaching, the life, the promises, the kingdom and the mystery of Jesus of Nazareth, the Son of God, are not proclaimed” (Evangelii Nuntiandi. 22).
Bổn phận của người giáo dân – Đức Thánh Cha nhắc lại – là phải hành động và trực tiếp tác động để tạo nên một trật tự trần thế. Ngoài ra họ cũng cần phải được hướng dẫn soi sáng bằng ánh sáng Phúc Âm và tình yêu Chúa Kito.
Đức Thánh Cha còn khuyến khích người tín hữu Kito giáo cần phải tích cực trong sinh hoạt công cộng, làm chứng trước công luận Niềm Tin của mình và không thể làm tôi hai chủ; không thể dấn thân tham gia vào các sinh hoạt văn hóa, xã hội và chính trị trong khi vẫn sống song hành hai cuộc sống tu đức và duy vật phi tôn giáo. Đừng để lý luận duy vật phi tôn giáo mê hoặc bởi những mỹ từ văn chương hào nhoáng bề ngoài nghe có vẻ xuôi tai nhưng phản lại niềm tin tôn giáo của mình!
Đức Thánh Cha thúc dục người tín hữu phải biết phối hợp, liên kết cuộc sống với đức tin hầu làm chứng cho sự thật, cho sứ điệp của Chúa Kito, trong lúc mà ngày nay sự liên hợp đức tin và cuộc sống vẫn còn thiếu vắng trong trong đời sống công cộng. Lời nói không đi đôi với việc làm vẫn là hiện tượng phổ quát ở cả ngoài đời lẫn trong nhà đạo.
Phải chăng Đức Thánh Cha cũng đồng ý với thuyết TRI HÀNH HIỆP NHẤT của Vương Dương Minh “Vị hữu tri nhi bất hành giả. Tri nhi bất hành, chỉ thị vị tri”, Biết mà không làm là chưa biết, “Đức Tin không có hành động là Đức Tin chết” (Gc 2, 17).
Nguyễn Tiến Cảnh
Pace Island, Florid
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét