DIỄN ĐÀN TỰ DO NGÔN LUÂN - TRI THỨC TRẺ LIÊN TÔN GIÁO - VIỆT NAM.

22/3/12

Chính Trị phải là một biểu hiện của Bác Ái



ĐHY Bagnasco: Chính Trị phải là một biểu hiện của Bác Ái

Rôma, ngày 12-3-2012 (ZENIT.org) – Chính trị là một hình thức «tận tụy vì thiện ích chung» và như thế, là «một sự biểu hiện của bác ái»: Đó là những lời tuyên bố của ĐHY Tổng Gám Mục giáo phận Gênôva, Angelo Bagnasco, được ĐGH Biển Đức XVI phê chuẩn vào chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Ý, trong bài diễn văn khai mạc cuộc hội ngộ với những giới chức chính quyền Ý, tại Trường Đại Học Sainte-Croix ở Rôma, về «Vấn đề nhân chủng học trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội», hôm 07-3-2012 vừa qua.
«Trong trạng huống kinh tế, xã hội và văn hóa hiện nay, ĐHY nhắc nhở, chúng ta được mời gọi nghiên cứu kỹ lưỡng về những mục tiêu mà chúng ta muốn thực hiện và về tôn ti các giá trị nơi chúng ta đặt nền tảng cho những lựa chọn quan trọng nhất của chúng ta. Quả là không có giải đáp nếu không cái nhìn tổng quát».
Khuyến cáo rằng giáo huấn xã hội của Giáo Hội không mang đến «những giải đáp kỹ thuật» mà đúng hơn chỉ là «những hướng dẫn để có được một quan niệm đúng đắn về xã hội và con người», Đức Tổng Giám Mụd Gênôva nhấn mạnh chủ đề phẩm giá con người trong lao động, đã nổi cộm trong tông huấn Rerum Novarum (1891) của ĐGH Lê-ô XIII.
Theo vị Tổng Giám Mục, tất cả các tầm vóc kinh tế và xã hội đều phải nhắm vào «phục vụ con người», kể cả, chẳng hạn, sự tương tác với môi trường, không thể chỉ hiểu đơn giản là một «sự bảo vệ thiên nhiên».


Bởi vậy, trong lãnh vực kinh tế, một «sự gia tăng của cải tổng quát» mà không phải là «có lợi cho con người» sẽ chẳng phục vụ được cho ai, cũng giống như một «sự tiến bộ kinh tế mà chỉ phục vụ cho một thiểu số trong lúc lại gây thiệt hại cho đại đa số», ngài nói thêm. 
Theo vị Hồng Y người Ý này, phát triển kinh tế, kỹ thuật và xã hội chỉ chính đáng «nếu con người là quy chiếu đầu tiên của nó» và nếu «người ta tôn trọng tất cả những tầm vóc giá trị (của con người), không thể bỏ sót gia trị nào».
ĐHY Bagnasco nói tiếp: «Con người có một tầm vóc hướng thượng, khiến con người khác về phẩm chất với thế giới mà con người đang sống»: xã hội tiêu thụ, trái lại, làm con người choáng ngợp và biến con người thành một «đồ vật»; hơn nữa, người ta không thể «gạt bỏ hay coi thường» kinh nghiệm tôn giáo: trái lại, «phải coi tôn giáo như là một yếu tố không thể thiếu, kể cả trong bối cảnh một quốc gia thế tục, bởi vì nó biểu hiện chỉ dấu cao quý nhất của sự tự do con người» mà Nhà Nước phải bảo vệ và cổ vũ.
Nếu Nhà Nước không ưu tiên giúp cho sự tăng trưởng thiêng liêng của công dân mà lại đi đến mức gây trở ngại cho nó, Nhà Nước sẽ tước đi của công dân «sức mạnh tinh thần và thiêng liêng để họ có thể dấn thân vào sự phát triển toàn diện con người», ĐHY đánh giá và đưa thí dụ – như đang được thảo luận trong những ngày vừa qua ở Châu Âu- vấn đề tôn trọng những ngày lễ nghỉ, mà không gạt bỏ các vấn đề khác như «xây những những nơi thờ phụng» hay «trưng bày các biểu tượng tôn giáo».
Theo ngài, thì còn có một nguy cơ khác đến từ «một loại cá nhân chủ nghĩa», theo đó thì con người kết nối những quan hệ xã hội vì «thuần túy sở thích», điều này dẫn đến một sự vô cảm toàn diện đối với «chuyện công», tới độ có «những hình thức tháo lui và bất công».
Ngài nói, một trách nhiệm không nhỏ đã rơi vào «những lời nhắn quảng cáo» vì chúng dẫn đến một thứ «lôgic hời hợt» và một «sự phung phí tiền bạc» bằng cách đề nghị «những mô thức đôi khi không đạt tới được».
Theo ngài thì phương thuốc cho những quan niệm và lối sống nguy hại này là «công ích», hiểu như là «mục đích cuối cùng của đời sống xã hội», với hình ảnh con người «trong mối quan hệ với xã hội, mà không bao giờ quên lãng bất cứ ai, và không bao giờ coi ai là «đồ bỏ». Thí dụ công ích hàng đầu và hàng đầu hơn cả là gia đình nơi sự lợi ích «không bao giờ loại trừ bất cứ thành viên nào và lợi ích của một ngươi không thể được thực hiện nếu gây thiệt hại cho người khác». 
Sau khi xác định những nền tảng nhân chủng học này, ĐHY Bagnasco đã lưu ý rằng chính trị, từ bản chất, phải được hiểu như là một hình thức đặc biệt của «sự tận tụy với thiện ích chung», và như là «một sự thể hiện của đức bác ái».
Ở nước Ý, và cũng như trên toàn thế giới, ngày nay chính trị bị mất uy tín, ngài nói, «bởi vì có hiện tượng một sự chuyên chế hóa của quan niệm hiện đại của công nghệ học»: quan niệm này cho rằng «sự kết thúc của hành động con người đã được khoa học ấn định trước rồi», khiến cho chính trị trở nên dư thừa.
Công nghệ học đã vượt lên trên con người «đến độ con người mất đi khả năng định hướng cho những lựa chọn của mình về mặt chính trị và phân định tinh thần, cả hai khả năng này đã bị bóp nghẹt bởi vì người ta đã loại bỏ thế giới cứu cánh để thay thế bằng thế giới những phương tiện kỹ thuật». Mặt khác, chính trị cũng đang bị khủng hoảng, vì bá quyền của nguyên tố kinh tế, đặc biệt sự kiện «tư bản tài chính toàn năng có thể đơn phương quyết định những lựa chọn kinh tế cũng như chính trị», làm phá sản tiến trình dân chủ.
Hơn nữa, thiếu đi sự tôn trọng sự sống, ngài nói, «sẽ luôn khiến cho việc nâng cao giá trị và phẩm cách của mỗi con người trở nên khó khăn», với những tác dụng tai hại đối với dân chủ bị « đặt dưới quyền lực của kẻ mạnh và những quyết định độc đoán của đa số». Trong lúc, nếu chính trị cũng mở ra với sự sống, nó sẽ «đặt sự phát triển đích thực vào trung tâm», như ĐGH Biển Đức XVI đã xác định trong tông điệp Caritas in Veritate, vị hồng y người Ý nhắc lại.
Vấn đề «tự sát dân số» cũng không kém tầm quan trọng, Đức TGM xác nhân: đây là triệu chứng của một xã hội «không nhìn về phía trước vì sợ tương lai» và «nhận thấy tuổi trung bình của dân chúng gia tăng, tạo ra những vấn đề trong lãnh vực kinh tế trong trung và dài hạn».
Điểm sau cùng được đề cập bởi vị chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý: đó là vấn đề di dân và tiếp nhận tha nhân, đề tài đã có «quy mô quan trọng, đôi khi đáng báo động» và phải đối phó mà không để bị «lôi cuốn bởi những chủ thuyết hay những lập trường cực đoan khinh khi kẻ khác».
Trước khi được tính như «món lợi nhuận kinh tế» mà người di dân mang lại, người này phải được coi như « một con người có mang theo những điều yếu kém và những điều mong đợi», ngài khẳng định: sự có mặt của di dân trong đất nước có thể giúp người ta thắng được những ích kỷ và những lo sợ, theo «nguyên tắc phân bố chung của cải, trao cho không phải một số người mà cho tất cả mọi người và vì thế phải được phân chia một cách công bình nhất».
Vị chủ tịch các giám mục Ý kết luận bằng nguyên tắc bổ trợ được áp dụng trước hết cho giới trẻ, bởi vì họ tượng trưng cho «tài nguyên quan trọng nhất của xã hội chúng ta»: sự cống hiến của họ phải được nâng cao giá trị nhất là trong thế giới lao động để đừng buộc họ bị nghèo nàn về nhân bản và cả về kinh tế». 
Luca Marcolivio
Mai Khôi phỏng dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét